Bài Viết
2. Chính Trị - Kinh Tế, 3. Văn Hóa - Xã Hội, 4. Việt Nam và Thế Giới, 5. Đọc Báo Giùm Bạn, 7. Diễn Đàn Bạn Đọc

Hong Kong và kỷ niệm của một thuyền nhân

BBC  –    31 phút trước

Phung Thai Binh
Bản quyền hình ảnhHÌNH DO ÔNG PHÙNG THÁI BÌNH CUNG CẤP

Là người Việt gốc Hoa, ông Phùng Thái Bình cùng gia đình phải rời Hải Phòng ra đi do tác động của sự ‘dao động trong quan hệ giữa hai nước Việt – Trung’ hồi 1979.

Ông từng tỵ nạn tại Hong Kong một thời gian trước khi được sang Anh định cư.

Cùng vợ và bốn con ra đi trên con thuyền chở 214 người, ông Bình nói chuyến đi đã trải qua những thời khắc kinh hoàng.

Hong Kong thời thuộc địa

Cảm giác đầu tiên về nơi đã tiếp nhận ông sau hành trình lênh đênh trên biển là “Hong Kong rất đẹp”, dẫu mọi người trên thuyền khi đó đều vẫn đang mang cảm giác “bàng hoàng, lo sợ”, ông nói.

Hong Kong đánh dấu 20 năm chuyển giao

Anh trao lại Hong Kong cho Trung Quốc thế nào?

“Từ ngoài biển nhìn vào, tôi thấy đèn sáng ngời, với các khu nhà chọc trời rất đẹp,” ông nói.

Hong Kong và kỷ niệm của một thuyền nhân gốc Việt

Trái với cảnh huy hoàng tráng lệ, ông Bình nói ông đã rất bất ngờ về cách nói chuyện bỗ bã của con người nơi này.

“Khi được cảnh sát trên sông của Hong Kong dẫn vào, chúng tôi thấy họ nói chuyện rất thô tục, chúng tôi không quen nghe thế. Nhất là phụ nữ, họ sợ đến co cả người lại.”

Từ bất ngờ này đi đến bất ngờ khác. Tâm trạng bồn chồn sợ hãi ban đầu đã nhanh chóng biến mất, bởi đằng sau cách nói năng có phần suồng sã là “sự tiếp đãi rất tốt, rất nhân đạo”, ông Bình nói. “Người Hong Kong rất từ thiện, rất hảo tâm.”

Ông Bình không được tiếp xúc nhiều với các viên chức người Anh bởi họ thường giữ vị trí cao cấp hơn các nhân viên người Hong Kong.

Tuy nhiên, “họ có vẻ thận trọng và quan tâm [tới người tị nạn chúng tôi] hơn cả cảnh sát Hong Kong,” ông Bình cho biết thêm.

Gốc Việt, gốc Hoa, người Nam, người Bắc

Có lợi thế thành thạo cả tiếng Quảng Đông lẫn tiếng Trung, ông Bình đã dễ dàng, nhanh chóng tìm được việc làm tại Hong Kong hơn so với những người khác.

Tuy nhiên, ông nói mối quan hệ giữa ông với những người khác không biết tiếng Quảng Đông trong trại tị nạn là rất tốt, bất kể gốc gác.

“Nếu tìm được việc làm, tôi cũng dẫn theo mọi người đi cùng. Chúng tôi chẳng bao giờ chia ra là người Việt hay người Hoa. Tôi không có cảm giác khác biệt gì giữa người Việt gốc Việt và người Việt gốc Hoa.”

Phung Thai Binh
Bản quyền hình ảnhPHUNG THAI BINH
Image captionÔng Bình cùng gia đình ở trại tị nạn Hong Kong bốn tháng trước khi được sang Anh định cư

Khi sang tới Anh, ông vẫn tiếp tục giữ quan hệ tốt với cộng đồng người Việt ở đây trong suốt gần 30 năm qua.

“Kể cả người miền Nam hay người miền Bắc, với bản thân tôi và tại các hiệp hội của cộng đồng mà tôi tham gia thì chẳng có gì chia rẽ chúng tôi hết.”

“Ngay bây giờ, tôi vẫn có những người bạn ra đi từ miền Nam, cả người Việt lẫn người Việt gốc Hoa. Chúng tôi thân nhau như anh em.”

Đâu là quê hương?

Có quê gốc ở Trung Quốc, sinh trưởng tại Việt Nam, được Hong Kong ‘cứu giúp’, và sau đó gắn bó với Anh quốc suốt mấy chục năm tiếp theo, ông Bình nói ông cảm thấy yêu mến tất cả những nơi này.

Nhắc tới Hải Phòng, nơi ông từng sinh sống gần 40 năm trước khi lên thuyền ra đi, ông Bình nói: “Tôi nhớ mãi, tôi để trong tim.”

“Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ tới nơi chôn rau cắt rốn, tôi nhớ những người bạn của tôi.”

Phung Thai Binh
Bản quyền hình ảnhHÌNH DO ÔNG PHÙNG THÁI BÌNH CUNG CẤP
Image captionÔng Phùng Thái Bình vẫn giữ gìn những kỷ niệm liên quan tới Việt Nam, như bằng lái xe này, ông được Bộ Công an Việt Nam cấp hồi 1967

Lần đầu tiên trở về thăm lại Việt Nam là vào năm 2000, “tôi vui lắm” khi được gặp lại bạn bè, ông nói.

“Tôi được những người bạn cũ đón như anh em trong nhà. Chúng tôi nói chuyện với nhau rất thẳng thắn, không khách sáo,” bất chấp thực tế là trước đây ông đã buộc phải ra đi “theo dòng trôi của xã hội”.

Trong những dịp trở lại thăm Hong Kong, ông Bình nói ông đều cố gắng đi tìm lại những địa điểm ông từng làm việc trước đây mà chưa được, “vì tôi không thuộc [các địa điểm] nơi này” .

“Mỗi khi đến Hong Kong, tôi đều có cảm giác nhớ vùng đất đã đón tiếp mình, nơi mà từ đó tôi đã được sang Anh, cùng gia đình có một cuộc sống yên ổn trên đất Anh.”

Tuy nhiên, với ông thì nay, “sống tại Anh, tôi phải coi nước Anh là quê hương.”

Cuộc phỏng vấn được thực hiện trên Facebook Live của BBC Tiếng Việt hôm thứ Sáu 30/6/2017, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Hong Kong được trao trả từ Anh về cho Trung Quốc.

*********

Nguồn:

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40473310

Thảo luận

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này

Lượt Xem

  • 1 184 784

Thư viện

free counters