Bài Viết
2. Chính Trị - Kinh Tế, 7. Diễn Đàn Bạn Đọc

Trần Thắng Lợi, Nguyễn Ái Quốc và “Đảng ta”

Phạm Thị Hoài

Bài “Đảng ta” của Hồ Chí Minh [1], đăng trong tập san Sinh hoạt Nội bộ [2] số 13, tháng 1-1949, là một bài báo đặc biệt. Một mặt, nó thường xuyên được các nhà tuyên giáo của Đảng trích dẫn và lấy làm điểm tựa. Thậm chí cụm từ “Đảng ta” từ đây được coi như một phát kiến độc đáo, mặc dù nó đã xuất hiện trong các văn kiện Đảng từ trước 1945 và cũng được chính Hồ Chí Minh dưới bút danh X.Y.Z dùng tràn ngập trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc từ năm 1947. Mặt khác, bài báo này chứa đúng 8 chữ mà cho đến nay không một nhà truyền bá lịch sử Đảng nào dám hay muốn đụng vào. Tám chữ lạ lùng này lại nằm trong một đoạn văn cũng gây kha khá rắc rối, khiến bài báo rơi vào số phận kì quặc: vừa bị né tránh vừa được ca ngợi hết lời.

Đoạn đó như sau:

Một nước mà ba đảng cộng sản. Cả ba nhóm đều ngầm hiểu như thế là sai. Quần chúng đều hiểu rằng như thế là không đúng. Cả ba nhóm đều tìm cách để đi đến thống nhất. Nhưng bệnh hẹp hòi và cách làm không khéo, cho nên càng muốn gần nhau, lại càng xa nhau.

Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở lại Tàu, cùng với đại biểu các nhóm khai hội ở Hương Cảng.

Trong 7, 8 đại biểu, ngoài đồng chí Nguyễn Ái Quốc và tôi, nay chỉ còn đồng chí Hồ Tùng Mậu và đồng chí Trịnh Đình Cửu, đồng chí Tản Anh và vài đồng chí nữa đều oanh liệt hy sinh cho Đảng và cho dân tộc lâu trước ngày Cách mạng Tháng Tám.

Để giữ bí mật, các đại biểu khai hội bên sân đá banh của người Tàu. Vừa giả xem đá banh, vừa bàn bạc về Đảng.

Sau cuộc bàn bạc sôi nổi, và sau lời giải thích rõ ràng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, mọi người đều tán thành thống nhất cả ba nhóm thành một đảng.

Thế là Đảng ta chân chính thành lập.

Đó là ngày lịch sử mồng 6-1-1930.”

Hai câu hỏi phiền hà nhất liên quan đến Hội nghị thành lập Đảng đều tập trung trong đoạn văn này. Thứ nhất, thời điểm. Thứ hai, nhân sự.

Về thời điểm, trong “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-2-1930″ [3], Nguyễn Ái Quốc ghi rõ: “Lập tức tôi đi Trung Quốc, tới đó vào ngày 23-12. Sau đó, tôi triệu tập các đại biểu của 2 nhóm (Đông Dương và An Nam). Chúng tôi họp vào ngày mồng 6-1… Các đại biểu trở về An Nam ngày 8-2“. Trong “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản Đông Dương[4] viết năm 1933, Tổng Bí thư thứ ba của Đảng, ông Hà Huy Tập, cũng nhiều lần nhắc chính xác ngày 6 tháng Giêng là ngày diễn ra Hội nghị hợp nhất. Tuy trong “Tư liệu bổ sung về nguồn gốc các tổ chức cộng sản ở Đông Dương” [5] viết trước đó, dưới bút danh Giôdép Marát, ông ghi thời điểm này là tháng 2-1930, song lại có một chú thích của biên tập cho tư liệu này như sau: “Từ giữa năm 1932 đến đầu năm 1933, các tác phẩm của đồng chí Hà Huy Tập đều viết ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là 3-2-1930. Đến giữa năm 1933, đồng chí đã cải chính lại là 6-1 chứ không phải 3-2.”

Tuy vậy, ngày 3 tháng 2 chứ không phải ngày 6 tháng 1 vẫn được thông qua trong Nghị quyết sửa đổi ngày sinh “cho phù hợp với sự thật” của Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ III ngày 10-9-1960 như sau: “Từ mấy chục năm nay, Đảng ta lấy ngày 6 tháng Giêng dương lịch làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng. Nay căn cứ theo các văn kiện và tài liệu lịch sử, thì ngày bắt đầu cuộc Hội nghị hợp nhất để thành lập Đảng là ngày 3-2-1930 dương lịch, tức là ngày 5 tháng 1 theo âm lịch.” [6]

Nếu quả có sự nhầm lẫn kéo dài ba mươi năm, rằng đó là ngày 6 tháng 1 âm, thì phải chuyển thành ngày 4 tháng 2 dương, chứ không thể bỗng nhiên lui xuống, thành ngày 5 tháng 1 âm tức 3 tháng 2 dương được. Cách lí giải âm-dương này không thuyết phục. Rút cuộc thì hội nghị đã kéo dài bao nhiêu ngày và kết thúc vào ngày nào? Năm ngày, từ 03-2 đến 07-2 hay hơn một tháng, từ 06-1 đến 07-1? Và “các văn kiện và tài liệu lịch sử” nào đã dẫn đến “sự thật” đó? Theo ông Nguyễn Minh Cần [7], lí do được đưa ra rất giản dị, vì “các đồng chí Liên Xô cho biết ngày đó mới đúng theo tài liệu lưu trữ của Liên Xô” và ông Hồ Chí Minh ngồi trên chủ tịch đoàn của Đại hội đã gạt phăng, không cho thảo luận về việc sửa đổi ngày thành lập đó. Cùng với “các đồng chí Liên Xô”, dường như lời giải cho câu đố về ngày tháng ấy đã vĩnh viễn bị vùi vào quá khứ. Tất nhiên ngày 6 tháng 1 hay ngày 3 tháng 2 hay một ngày nào khác không khiến Đảng Cộng sản Việt Nam mang một lí lịch ít hay nhiều vẻ vang hơn, song vấn đề thời điểm ngày thành lập cho thấy thái độ dễ dãi, tùy tiện và cả độc đoán của Đảng với chính lịch sử của mình, huống gì với lịch sử chung của dân tộc.

Về nhân sự, “Báo cáo tóm tắt hội nghị” [8] ngày 7-2-1930 ghi rõ ngay ở mục I: “Có mặt: 1. Một đại biểu của Quốc tế Cộng sản; 2. Hai đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng; 3. Hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng.” Như thế, tổng cộng là 5 người. Đó là: Nguyễn Ái Quốc (Quốc tế Cộng sản), Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh (Đông Dương Cộng sản Đảng), Nguyễn Thiệu và Châu Văn Liêm (An Nam Cộng sản Đảng). Tuy nhiên, nhiều tài liệu khác của Đảng sau này ghi thêm hai người của Quốc tế Cộng sản cũng có mặt với tư cách khách dự thính trong Hội nghị, đó là Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn. Vậy chúng ta có khả năng thứ hai: 7 người, đã khác so với Báo cáo ngày 7-2 [9].

Song dường như còn có một khả năng thứ ba, gợi nên từ đoạn văn nêu trên.

Tác giả bài “Đảng ta” là Hồ Chí Minh, sử dụng bút danh Trần Thắng Lợi. Nghiên cứu việc ông Hồ sử dụng những bút danh nào vào mục đích nào và thời điểm nào hẳn là việc thú vị. Trong trên dưới 50-60 bút danh, Trần Thắng Lợi chỉ được ông Hồ dùng một lần. Với thời gian, chúng ta đã đủ làm quen với việc ông Hồ không có gì áy náy khi sử dụng một bút danh lạ hoắc để ca tụng bản thân. Mới đây tôi phải bật cười khi đọc tác phẩm Giấc ngủ mười năm [10] của Hồ Chí Minh với bút danh Trần Lực, trong đó ông Hồ cho một nông dân người Nùng tên Nông Văn Minh làm nhân vật xưng tôi viết thư “dâng lên Cụ Hồ để cảm ơn Người và chúc Người mạnh khoẻ“. Té ra chữ Người viết hoa này là sáng tạo của chính Người từ thuở ấy để chỉ riêng Người. Song trong bài “Đảng ta”, Trần Thắng Lợi làm một việc độc nhất vô nhị: Với 8 chữ lạ lùng nhất trong toàn bộ trước tác của Hồ Chí Minh: ngoài đồng chí Nguyễn Ái Quốc và tôi”, Trần Thắng Lợi tức Hồ Chí Minh đã hiển ngôn rằng mình và Nguyễn Ái Quốc là hai người khác nhau.

Người đọc không bối rối mới là lạ. Mấy chữ trước đó, “trong 7, 8 đại biểu“, khiến đã rối lại càng rối thêm. Vậy số người tham dự Hội nghị thành lập Đảng không phải là 5, không phải là 7, mà có thể là 8, và người thứ 8 này phải là Trần Thắng Lợi tức Hồ Chí Minh. Tôi phải thừa nhận rằng lí giải của tác giả cuốn Hồ Chí Minh sinh bình khảo ở đoạn này có vẻ gỡ được mối bòng bong, đồng thời cũng góp phần giải thích vì sao Hồ Chí Minh có một vị trí tối thượng trong Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khi Nguyễn Ái Quốc từng bị các lãnh tụ lừng lẫy khác của Đảng kịch liệt phê bình. Ngay trong năm 1930, Hội nghị  Trung ương tháng 10 đã xóa bỏ bản “Chính cương của Đảng” do Nguyễn Ái Quốc thảo và được Hội nghị hợp nhất thông qua bằng bản “Luận cương chính trị” của Trần Phú. Chỉ 3 năm sau ngày thành lập Đảng, ông Hà Huy Tập nhận định: “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc là người đã có sáng kiến đề ra và lãnh đạo công cuộc thống nhất. Nhưng đồng chí đã phạm một loại sai lầm cơ hội chủ nghĩa trong thời gian hội nghị hợp nhất mà chúng ta không thể bỏ qua.” [11]

Song rất tiếc rằng giả thuyết xuất phát từ cuốn Hồ Chí Minh sinh bình khảo vấp phải một mâu thuẫn khó nhằn: nếu ông Hồ Tập Chương tức Hồ Chí Minh quả thật đã thay thế ông Nguyễn Ái Quốc mất năm 1932 [12] thì vào thời điểm năm 1949 khi viết bài “Đảng ta”, ông Hồ Tập Chương tức Hồ Chí Minh không thể nói rằng tất cả đã hi sinh, ngoài mình và Nguyễn Ái Quốc cũng như Hồ Tùng Mậu và Trịnh Đình Cửu còn sống. Rốt cuộc thì 5, 7 hay 8 người đã tham dự hội nghị thành lập Đảng? Rốt cuộc thì Hồ Chí Minh tức Trần Thắng Lợi và Nguyễn Ái Quốc là hai hay một người?

Tất cả những câu hỏi ấy đến nay đều bị né tránh.

(Tháng 2 3, 2014)

© 2014 pro&contra

*****

Nguồn:

http://www.procontra.asia/?p=3907

Thảo luận

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này

Lượt Xem

  • 1 184 865

Thư viện

free counters