Bài Viết
3. Văn Hóa - Xã Hội, 7. Diễn Đàn Bạn Đọc

NGƯỜI VIỆT TRÊN NƯỚC HÀN

Hạ Long Lưu Văn Vịnh

Sau họ Lý, chạy loạn sang Hàn Quốc từ tk XII (Lý Dương Côn, em Lý Thần Tôn tức Lý Dương Hoán ) và tk XIII ( Lý Long Tường, chú vua Lý Huệ Tông ), còn có họ Mạc để lại giọt máu Việt trên đất Hàn. Cả hai họ Lý và Mạc đều nẩy nở phồn thịnh trên đất Áp Lục, cả Việt lẫn Hàn đều nằm ở thế hợp tung trong nền văn minh cầm đũa hữu lễ, vì thế cho đến nay, Hàn Việt đều tương quan trong cả thời chiến lẫn thời bình, chính Bạch Mã tướng quân Lý Long Tường đã đánh thắng Mông Cổ cho vua Hàn (1253) tại Hoa Sơn, trước cả Trần Hưng Đạo tới 5 năm! và thập niên 1960-70, Sư đoàn Đại Hàn lấy tên Bạch Mã tham chiến ở Việt Nam là có ý ấy !

Gần đây, 5-2015, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon (Phan Cơ Môn) tới tận nhà thờ họ Phan Huy-chi Sài Sơn, Hà Tây, thắp hương nhận gốc mình thuộc dòng Phan Huy Chú, Sài Sơn, Sơn Tây ( Hà tây), tính ra đã 7 đời an cư trên đất Hàn.

Như vậy trên đất Hàn hiện có 3 dòng họ gốc Việt là họ Lý, họ Mạc và họ Phan Huy.
Khi sang sứ Tầu, sứ giả Việt và Hàn thường trao đổi thơ văn qua chữ Nho, nay còn khá nhiều tài liệu, như Phùng Khắc Khoan, đi sứ 1597, Lê quí Đôn đi sứ 1760 (ghi lại chuyến đi trong Bắc Sứ thông lục- sách Quần thư khảo biện của Lê Quý Đôn được sứ thần Triều Tiên tán thưởng và đề tựa), Phan Huy Ích, Phan Huy Chú đi sứ 2 lần 1825 và 1831 đời vua Minh Mạng, Nguyễn Tư Giản (sứ cuối triều Nguyễn 1868).

Từ Bắc Kinh sang Triều Tiên không xa, có thể các đoàn đi sứ đã sang thăm Triều Tiên, có thể nhân viên tuỳ tùng tuỳ duyên lưu lại lập nghiệp-như một vị nào thuộc họ Phan Huy, chăng?

ĐÔI NÉT VỀ HỌ PHAN HUY

Được đọc qua Gia phả họ Phan Huy và tra cứu trên các mạng, vài chi tiết đáng ghi lại như sau :

1-Theo Gia Phả họ Phan Huy, viết năm 1962, thì tổ đời thứ 7 là Phan Huy Cẩn 1722- 1789.từ Hà Tĩnh đổi ra Sài Sơn, Sơn Tây,

2-Ðời 8 là Phan Huy Ích 1750- 1822, học trò Ngô Thời Sĩ, được thầy gả cho con gái là Ngô thị Thục, bà này là em Ngô Thời Nhiệm.

3-Ðời 9, con trai thứ 3 của Phan Huy Ích, là Phan Huy Chú 1782- 1840, chỉ đậu Tú Tài, tự khảo cứu, tác giả Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí.

4-Con gái Phan Huy Vịnh (1800-1870) là Phan thị Chú (1830- 1888) lấy Tiến sĩ Nguyễn Thượng Phiêu, sinh ra Nguyễn Thượng Hiền (con trai thứ hai).

Dòng họ Phan Huy gốc từ họ Nguyễn Huy-Nguyên một bà thiếp của Nguyễn Huy Tựu là Phan thị Trừu, có chuyện trong gia đình, nên bà lấy họ mình đặt cho con trai.

BS Phan Huy Quát 1908-1979 là con trưởng của TS Phan Huy Tùng 1878–, đậu đầu Y Khoa Bác sĩ tại Hà Nội- Từng làm Chủ tịch Tổng hội SV Hà Nội, Đổng Lý văn phòng cho Thủ tướng Trần Trọng Kim 1945- mất trong lao tù CS 1979.(web. của Lãng Nhân viết rất cảm động về PH Quát, một người bạn và bệnh nhân của Bs Quát)

Các dòng họ Phan ở VN bây giờ nhận viễn tổ là một vị tướng từ đời Hùng Vương, quán Hà Đông.

CÓ HAI CHI HỌ LÝ Ở NƯỚC HÀN

Theo tài liệu của Sở Cuồng Lê Dư trên số Xuân 1942 Tri Tân (sang Hàn quốc 1914) và của Trần Văn Giáp, thuộc Viện Khảo Cổ Hà Nội, năm 1959, thì có 2 vị dòng dõi nhà Lý chạy sang nước Hàn :

1- Lý Dương Côn, em vua Lý Thần Tôn 1128 -1138 ( tức Lý Dương Hoán), tước Kiến Hải Vương, chức Đại Đô Đốc Thủy Quân, chạy sang Hàn quốc để “ tránh quốc loạn “, không nói rõ loạn gì và tại sao lại chạy mãi sang Hàn Quốc, chỉ biết Lý Tinh Thiện hiện đại là dòng dõi chi này. Có tài liệu ghi Kiến hải Vương Lý Dương Côn là con nuôi Lý Nhân Tông, khi Lý Thần Tôn băng hà, hoàng thái tử mới lên 2 (sau là Lý Anh Tông), nên triều thần muốn đưa Lý Dương Côn, 22 tuổi, lên ngôi, nhưng việc không thành nên Lý Dương Côn phải bỏ trốn sang Hàn năm 1150, thuyền táp vào Nam Triều Tiên, vùng Pusan. Đời thứ sáu của Lý Dương Côn là Lý Nghĩa Mẫn làm tới chức Tể Tướng triều Uijong suốt 14 năm.

2- Lý Long Tường, tước Kiến Bình Vương, con thứ 7 của Lý Anh Tông ( 1138-1175) và hoàng phi Lê Mỹ Nga, chú vua Lý Huệ Tông (1211 – 1224), con vua Lý Anh Tông (1138- 1175) em vua Lý Cao Tông (1176- 1210), lúc ấy đang giữ chức Đại Đô Đốc Thủy quân, cùng với Lý Quang Bật mang đồ thờ cúng chạy ra biển Đông (Đồ Sơn), trốn khỏi bàn tay Trần Thủ Độ, trên ba con thuyền. Một thuyền bị bão dạt vào đảo Đài Loan, hoàng tử Lý Đăng Hiển và vợ con ở lại đây, thuyền của Lý Long Tường đến được Bắc Triều Tiên, cửa Phú Lương Giang, tỉnh Hoàng Hải ngày nay, vào năm 1226.

Lý Long Tường khi ấy ở khoảng tuổi 50, ông ra đi với tâm nguyện noi gương Vi Tử đời Ân (khi nhà Ân mất thì Vi Tử chạy sang nhà Chu để giữ việc cúng tế gia tiên theo sử Tầu), vì thế ông lấy hiệu là Vi Tử Động và có ghi trên bia Thụ Hàng Môn Ký Tích ở Bồn Tân, Hàn quốc, tâm nguyện đó.

Tương truyền vua Hàn quốc là Cao Tông nằm mơ thấy một con chim cực lớn bay từ phương Nam lên, đậu bên bờ sông Tây Hải, khi cho người tìm kiếm thì thấy thuyền của Lý Long Tường và tùy tùng đang dạt vào bờ, vua Hàn nhớ lại giấc mơ cho là việc kỳ diệu nên đối xử với họ Lý rất tử tế.

Hai mươi bảy năm sau, 1253, quân Mông Cổ do Đường Cơ chỉ huy xâm lăng Hàn quốc. Lý Long Tường năm ấy đã vào khoảng 78 tuổi, cưỡi ngựa trắng đôn đốc dân chúng trong vùng chống trả quân Mông Cổ suốt 5 tháng. Quân Mông thấy khó thắng bèn lập kế khuân 5 hòm vàng lớn tới dâng Bạch Mã Tướng quân Lý Long Tường. Lý Long Tường biết là mưu kế nên cho khoét lỗ, đổ nước sôi vào hòm, quả nhiên sát thủ Mông nấp kín trong hòm bị phát giác và chịu chết. Sau khi thủy binh của đô đốc Katan Khan bị hỏa công phá tan, bộ binh của Đường Cơ mất tinh thần, bị quân Hoa Sơn bản địa họ Lý nòi Việt tiêu diệt chỉ còn lại vài tên chạy về Mãn Châu.

Sau chiến công ấy, vua Hàn cả mừng, phong Lý Long Tường làm Tướng quân, đổi Trấn Sơn nơi họ Lý trú ngụ thành Hoa Sơn (bởi thế có tên Hoa Sơn Tướng quân ), lại lấy 30 mươi dặm vuông, nhân khẩu 20 hộ cho họ Lý làm Thái ấp. Nơi quân Mông Cổ đầu hàng được gọi là Thụ Hàng Môn, lại cho lập bia để ghi công Lý Long Tường, di tích nay hãy còn.

Khi Lý Long Tường mất, mộ táng cách Thụ Hàng Môn (ở Bồn tân ) 10 dặm, tại chân núi Di Ất, gần Bàn Môn Điếm bây giờ.

Trong thời gian ở Hoa Sơn, Lý Long Tường lập làng Giao Chỉ, làng Nhật Nam, lại hay lên đỉnh núi ngồi vọng về phương Nam mà khóc, nơi ấy gọi là Vọng quốc đàn ! Mỏm đá họ Lý đặt chân lên đất Hàn vẫn còn gọi là Việt Thanh Nham.

Về sau dòng họ Lý ở Hoa Sơn chia làm hai chi, từ Bình Nhưỡng (cố đô) ở Bắc Hàn, rời về Hán Thành Seoul là đô mới của nước Hàn ở phía Nam, có tộc phả dày 400 trang ghi rõ chi tiết. Hâu duệ họ Lý này hiện có trên 200 hộ, hơn 600 người, cháu đời thứ 26 là Lý Xương Căn đã về lễ tổ tại Đình Bảng lần đầu tiên vào năm Tuất 18-5-1994 (xin ghi chú Lý Công Uẩn sinh năm Tuất). Bắc Hàn còn 1500 hộ dòng họ Lý. Cựu TT Lý Thừa Vãn là dòng thứ 25, Lý Khánh Huân (cha của Lý Xương Căn) đã sang VN trước 1975.
Tại nước Hàn, nhiều sách truyện về Hoa Sơn Tướng quân được truyền tụng, tập Hoa Sơn Quân bản truyện còn ghi sự tích cây hạnh lớn do Lý Long Tường trồng trên nền nhà Văn Nhã Đài là nơi Lý Long Tường từng ngồi dạy học, vì thế Lý Long Tường còn có tên là Hạnh Đàn Công tử. Như vậy đủ thấy Lý Long Tường cũng như nhiều danh nhân khác đời Lý Trần, có đủ tài kiêm văn võ, theo đúng truyền thống Đại Việt mà đời sau, từ đời Lê trở đi, để mất, đổi từ Văn ôn võ luyện sang tiên học lễ, hậu học văn, biến kẻ sĩ thành ra “trói gà không chặt”, hư danh khoa bảng, thật đáng tiếc. *

Ở Việt Nam hiện nay, dân chúng vùng Cổ Pháp (Đình Bảng là tên mới từ đời Trần) vẫn làm lễ hội rất lớn tại đền Đô (tức đền Lý Bát Đế thờ 8 vị vua Lý), họ truyền tụng câu :
“Đền Đô đến hẹn lại lên”

Hẹn gì ở ngôi đền đất Kinh Bắc, cố đô tinh thần hương quán nhà Lý và của nền quân chủ nhân quốc văn hiến Việt Nam ? Lại lên và bao giờ lên? câu sấm hay đồng dao này xuất hiện từ bao giờ và do ai đặt ra, không mấy ai biết rõ, nhưng chắc rằng có mang mầu sắc huyền nhiệm nên cả dân chúng lẫn giới truyền thông đều tin rằng có gì thiêng liêng trùm lên dòng sử Việt nhất là từ khi con cháu họ Lý từ Hàn Quốc trở về giỗ tổ sau gần 1000 năm tính từ năm 1010 khai triều thịnh đức nhà Lý.

Sấm Trạng Trình cũng có câu :
Lý đi rồi Lý lại về
…Ngẫm về sau nhà Lý xưa nên
Nghìn năm lại thấy mọi nơi vẹn toàn…

Lý Thái Tổ lên ngôi năm 1010, một nghìn năm sau, khoảng 2010, nền vương đạo nhân quốc Lạc Việt sẽ lại phục hoạt sau 500 năm long mạch đất Giao Chỉ bị Cao Biền trấn yểm .

(Xem tiếp phần 2 về họ Mạc tại Triều Tiên)

Hạ Long LVV

(Viết 1995-Cập nhật 10-2015)

(Tác giả gửi cho CH)

Thảo luận

Trackbacks/Pingbacks

  1. Pingback: Các dòng họ Việt trên nước Hàn | MY VIETNAM - Tháng Mười Một 12, 2015

Bình luận về bài viết này

Lượt Xem

  • 1 184 867

Thư viện

free counters